Đằng sau chuyện “hộ pháp” 

cho sư Minh Tuệ






RFA





Trong một video được chọn lọc phát đi vào ngày 22-12, những người theo dõi hành trình của sư Minh Tuệ qua kênh truyền hình độc quyền của ông Đoàn Văn Báu chứng kiến cảnh một vị sĩ quan của quân đội Việt Nam, chặn sư Minh Tuệ lại trên đường để trao cờ đỏ sao vàng và huy chương. 

Khung cảnh đó, rõ là thật ngượng nghịu với các vị sư. Không ai có thể cảm ơn và bước đi khỏi bài diễn văn ngắn - chủ yếu để lấy hình - của vị sĩ quan đó, cùng với ông Báu đứng bên cạnh. Không có nhiều tin tức để biết là vị sĩ quan đó làm sao biết được đoạn hành trình luôn bảo mật của ông Báu, cũng như việc vị sĩ quan chuẩn bị trước với trang phục long trọng, gắn đầy huy chương như đi dự hội toàn quân. Nhưng những người nhìn thấy, đều cùng mỉm cười, hiểu lý do của việc xuất hiện đoạn video này: sự việc diễn ra đúng ngày Truyền thống của quân đội Việt Nam.

Chợt nhớ đến những hình ảnh trước đó, anh Báu đã tỏ thái độ không vui khi thấy người, hay sư từ Việt Nam tìm đến sư Tuệ trên đất Lào. Trái ngược với hình ảnh ngày 11-12, anh Báu đứng kề bên vị sĩ quan, mặt vui vẻ và cũng không có ý hối thúc vị sĩ quan này cần vắn tắt để đoàn tiếp tục lên đường.

Đây có thể là sự kiện lịch sử, khi một đoàn các sư đi khất thực lại được trao cờ và huy chương. Nhưng cả đoàn, chỉ có một mình sư Tuệ được chọn để trao “vinh dự” này.

Trước đó vài ngày, ông Báu đã đề nghị sư Minh Tuệ cầm cờ đỏ sao vàng khi đi khất thực. Sư Tuệ đã từ chối mạnh mẽ rằng “người đi tu không cầm cờ”, và khi bị Báu nài nỉ rằng cần phải cho mọi người biết mình là người Việt Nam, vì “đại diện quốc gia dân tộc”. Sư Tuệ đã nói luôn là nếu muốn thì để người của Báu cầm. Vị sư bị xua đuổi và dèm xiểm trên mọi con đường ở Việt Nam, hôm nay đột nhiên phải mang vác vai trò “quốc gia dân tộc”. Với những ai còn nhớ, sư Minh Tuệ cũng từ chối giao chuyện cầm cờ cho bất cứ vị sư nào trong đoàn. Đi tu với màu áo vàng hay y phấn tảo, đều có một ý nghĩa duy nhất là xin làm con Phật, là người học Phật. Việc cố chen vào một ý nghĩa địa lý chính trị là vô nghĩa và đầy âm mưu.

Nhưng tại sao phải là sư Tuệ, chứ không phải là ông Báu, hay người của ông ta cầm cờ?

Bởi đơn giản, hình ảnh đó có thể là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Báu phải cố thực hiện cho được trong chuyến đi này. Một chuyến đi mà ngoài chuyện “hộ pháp”, còn là chuyện âm thầm “hộ quốc” trong khung cảnh đang dầu sôi lửa bỏng của Hà Nội.




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này