Mục Đích Của Giáo Dục






Vũ Hoàng Anh Bốn Phương




Ở vào thời điểm của 1940, một người trẻ tuổi với cái tên là Lý Đông A nhận định “giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị”.

Câu nói trên xem ra rất bình thường nhưng nếu ai thực sự quan tâm về Con Người thì sẽ thấy được giá trị của câu nói bên trên. Nhưng giáo dục là gì và tại sao đó là khởi điểm và chung điểm của chính trị?

Để hiểu giáo dục là gì thì phải tìm ra câu trả lời mục đích của giáo dục. Tùy theo kinh nghiệm sống, quan điểm về nhân sinh, câu trả lời mục đích giáo dục sẽ khác nhau. Tuy khác nhau nhưng có cùng một chung điểm là nói về Con Người.

Vậy thì mục đích của giáo dục là đào tạo ra một Con Người có đầy đủ đức tính của Nhân Bản, Nhân Sinh, Nhân Cách trên nền tảng Nhân Đạo, Nhân Tính, Nhân Chủ. Đây chính là mục đích chính của giáo dục.

Ngoài ra giáo dục có mục đích phụ là đào tạo ra những nhân tài trong từng ngành nghề của xã hội. Nhân tài hiểu một nghĩa rộng lớn là những con người đóng đúng vị trí của mình trong bộ máy hoạt động của xã hội và tận lực làm công việc đó bằng tấm lòng và trái tim để sự vận hành của bộ máy xã hội luôn luôn được tốt đẹp. Nếu đào tạo nhân tài mà thiếu nền tảng Nhân Đạo, Nhân Tính, Nhân Chủ thì nhân tài đó sẽ là họa cho xã hội.

Sự vận hành của bộ máy xã hội luôn luôn nương tựa vào nhau ở tất cả mọi góc cạnh của sinh hoạt xã hội. Chính sự nương tựa đó, nếu không có một Con Người có giáo dục thì sự hỗn loạn của xã hội tất sẽ xảy ra. Hình ảnh đạo đức xuống cấp ở Việt Nam là thí dụ điển hình của giáo dục tuyên truyền, đi ngược lại mục đích chính và cao cả của giáo dục.

Nền giáo dục của Mỹ đào tạo ra nhân tài nhưng không chú trọng vào việc đào tạo ra Con Người đạt những đức tính đã nói bên trên. Chính vì thế mà xã hội Mỹ, với nền kinh tế tư bản, tạo ra sự khác biệt giữa thành phần 1%, thu tóm toàn bộ tài sản xã hội; và  thành phần 99% với tài sản rất nhỏ trong xã hội. Tư bản Mỹ sẵn sàng làm giàu bằng bất cứ mọi thủ đoạn và không đặt nặng trách nhiệm đối với môi trường sống, với xã hội đang sống. Sự xuống cấp đạo đức của giới lãnh đạo, xã hội đã tạo ra chuyện nói láo trở thành bình thường như sự nói láo của đảng cộng sản Việt Nam. Khác chăng là nói láo của lãnh đạo được các đại công ty dùng kỹ thuật hiện đại để biến sự nói láo trở thành sự thật như chính các nước cộng sản đã từng làm.

Tự do phải đi với trách nhiệm. Tuy nhiên giáo dục của Mỹ đặt nặng tự do nhưng không kèm theo trách nhiệm. Từ đó các công ty, các nhóm tha hồ nói dối về sản phẩm, nói dối về thành tích, nói dối về trường sở để được vào trong hệ thống cầm quyền. Và khi đã vào đó rồi thì người dân chẳng làm được gì ngoại trừ chờ đợi cho cuộc bầu cử sau đó.

Chỉ khi nào có nền giáo dục đào tạo ra những Con Người có đức tính của Nhân Bản, Nhân Sinh, Nhân Cách trên nền tảng Nhân Đạo, Nhân Tính, Nhân Chủ thì lúc đó, người dân mới có thể tham dự vào tiến trình chính trị của quốc gia. Lúc đó những lãnh đạo giả, gian dối, thiếu đạo đức sẽ bị chỉ mặt để loại ra khỏi hệ thống thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Chính trị là “Thiết Kế và Chấp Hành Dân Sinh (Lý Đông A)”. Chuyện thiết kế và chấp hành dân (nhân) sinh là chuyện của mọi người sống trong xã hội chứ không thể nào mặc nhiên giao toàn bộ nhiệm vụ đó cho người đại diện mà chính người dân không trực tiếp tham dự hoặc chỉ tham dự qua mùa bầu cử bằng lá phiếu. Chỉ khi nào mỗi cá nhân sống trong xã hội có nền giáo dục như đã nói bên trên thì lúc đó, chuyện chính trị hay còn gọi là thiết kế và chấp hành nhân sinh sẽ ổn định, không bị sự lừa gạt từ giới lãnh đạo, người dân không dễ bị lừa gạt như tình trạng chính trị của Mỹ ở thời điểm 2024.

Giáo dục là điểm khởi đầu và sẽ đạt đến chung điểm chính trị của quốc gia. Chỉ khi nào những người sống trong xã hội có một nền giáo dục Nhân Bản thì lúc đó sẽ tạo ra một xã hội chính trị Nhân Bản. Một nền giáo dục tuyên truyền như ở Việt Nam thì sẽ tạo ra một xã hội tuyên truyền, giả dối, sợ hãi, hèn với giặc nhưng ác với dân.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này