KIẾM SĨ THỜI ÔN DỊCH
Lộc Dương
(Giày cỏ, gươm cùn ta đi đây…)
Tại một xứ sở kỳ quái nọ, có chàng kiếm sĩ họ Lê tên Bình. Dáng người nhỏ thó, quay quắt. Thuở bé không được học hành. Chỉ chơi bời lêu lổng. Sau lớn lên, chàng nổi tiếng trong giới giang hồ Nha Trang với biệt tài “máu liều nhiều hơn máu não”, “tiền án tiền sự nhiều hơn tiền mặt”.
Một hôm mưa to gió lớn, đang ngồi trong tửu điếm, chàng bổng thấy đoàn phu kiệu của một quan to vội vã ghé vào trú mưa. Vị quan này là người nữ, thẻ đảng đỏ chót giắt ở lưng quần, cổ đeo thẻ bài viện kiểm sát nhân dân. Cả hai vô tình ngồi chung bàn, cùng uống rượu, chuyện trò tâm đắc lắm. Mãi sau, quan nữ nhìn chàng hồi lâu rồi ghé tai hỏi: “Ta nghe nói xấu dây tốt củ, điều này đúng không”. Chàng bảo: “Đúng”. Quan nữ đỏ mặt: “Hôm nào ta muốn xem riêng được không”. Chàng bảo: “Được”.
Thế là sau đó họ chung sống với nhau như vợ chồng. Giữa những cơn mặn nồng, chàng thủ thỉ vào tai nàng: “Ta xưa nay vốn vô công rổi nghề, thiên hạ xem thường, nay muốn làm giám đốc công ty, nàng lo được không”. Quan nữ bảo: “Chuyện này dễ, thiếp có tiền”. Chàng lại hỏi: “Ta muốn có các loại bằng khen doanh nhân thành đạt với lại cá nhân đạo đức để thiên hạ tâm phục khẩu phục, nàng lo được không”. Quan nữ bảo: “Bằng tiến sĩ thiếp còn mua được, xá gì ba cái bằng vớ vẫn chỉ để treo phòng khách”. Chàng cắn vào tai nàng: “Ta muốn chụp hình chung với thủ tướng, như vợ chồng giang hồ Đường Nhuệ ở Thái Bình từng chụp với Nguyễn Xuân Phúc được không”. Quan nữ bảo: “Thằng ngớ ngẫn Phúc thì dễ, lão Chính thì hơi khó, để thiếp xem sao đã”. Chàng đổi đề tài: “Vậy trong khi chờ đợi, ta đi học kiếm thuật nhé”. Quan nữ bảo: “ Ừ, có chém ai chém bị thương thôi, thiếp lo được. Đừng chém chết, không chạy được đâu”. Lại bảo: “Học kiếm Nhật, xài kiếm Nhật. Chớ có dại xài cây kiếm 18 cm dành riêng cho thiếp, nhớ chưa”. Chàng cười bảo: “Nhớ rồi”.
Từ ngày học kiếm thuật, đi đâu chàng cũng mang theo thanh kiếm sắc, cư dân thành phố Nha Trang sợ lắm. Họ tránh chàng như tránh hủi. Chỉ có bọn bợ đỡ là ton hót. Chúng ví chàng như Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm. Như Tráng sĩ Kinh Kha ngày xưa qua sông Dịch để mưu thích khách vua Tần.
Lấy mạng Tần Thuỷ Hoàng đâu không thấy. Chỉ thấy hôm vừa rồi, trời xanh gió mát, đang vi vút trên đường với một nữ đồng nghiệp, mặt hoa da phấn. Qua chốn công viên, nơi một số công nhân đang đổ mồ hôi trồng hoa ngày Tết. Thấy hoa đẹp, chàng bèn xuống xe, ngắt một đoá toan tặng lấy lòng người đẹp. Bị một nữ công nhân lên tiếng phản đối. Quê mặt trước người đẹp mới quen, chàng bèn rút kiếm, định bụng sẽ xông vào chém rớt tay kẻ nghèo kia đã dám phạm thượng tới chàng. Nhưng may quá, người đẹp đi cùng đã giật được thanh kiếm sắc. Ngồi trên xe đi tiếp, khuôn mặt choắt bằng hai ngón tay chéo của chàng vẫn còn toát lên cơn giận dữ.
Toàn bộ sự việc đã được camera ghi lại. Ngồi nhà coi video clip, quan nữ tức lồng lộn lên. Không phải tức vì chàng toan chém người bằng kiếm Nhật. Mà tức vì gã phụ tình kia chắc đang toan tính xài cây kiếm 18 cm quý hoá với con nữ đồng nghiệp trên xe. Quan nữ bèn bốc phôn gọi cho công an: “ Các chú cứ thảo lệnh bắt, mang qua đây chị ký phê chuẩn”.
Thế là kiếm sĩ lùn Lê Thanh Bình bổng chốc vướng vòng lao lý. Chiếc xe tù chở kiếm sĩ về trại tạm giam chạy qua cầu Xóm Bóng. Dưới cầu, không phải là con sông Dịch bên Tàu mà ngày xưa Kinh Kha đã thề một đi không trở lại. Nó là con sông Cái hiền hòa của thành phố Nha Trang đang lững lờ trôi. Trên sông, có chiếc ghe nào đó vô tình mở bản nhạc buồn và rất phù hợp với hoàn cảnh thê thảm của chàng kiếm sĩ lúc này. Đó là bài Xuân Này Con Không Về: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con……”.
Nhận xét