Người tỵ nạn trong IDC, Thái Lan bị sứ quán Việt Nam sách nhiễu ra sao?

Hơn 60 người Thượng bị cảnh sát Thái Lan bắt ngày 23/2/2025. 

 

Hải Di Nguyễn

Ngày 26/3/2025 vừa qua, khoảng gần nửa đêm, hai người Thượng đang ngủ trong IDC (trại giam của Sở Di trú Thái Lan) thì bất ngờ bị nhân viên IDC gọi dậy và bảo xếp quần áo vì đã có sẵn vé máy bay về Việt Nam.  

Do bàn tay của sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.

Một trong hai người đó là anh Y Khiu Niê, đã được thả tự do vào ngày 15/5 vừa qua. Để tìm hiểu về tình trạng của người tỵ nạn trong IDC, đặc biệt về sự sách nhiễu của sứ quán Việt Nam, tôi đã phỏng vấn anh Y Khiu Niê và anh Y Chuân Mlô, một người Êđê khác bị nhốt cùng phòng ở IDC. 

 

Vì sao sang Thái Lan tỵ nạn?

signal 2023 11 08 110458 002

Anh Y Chuân Mlô năm 2021. 

Như đã viết trên Mạch Sống vào tháng 11/2023, anh Y Chuân Mlô (sinh năm 1985) là người Êđê ở Đắk Lắk, bị đàn áp vì theo Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên. Vừa bị đàn áp tôn giáo, vừa bị cưỡng chế đất đai, vừa nhìn thấy bao người Thượng khác bị đánh đập cầm tù, anh tham gia biểu tình năm 2004 và 2008. Anh đi tù năm 2008-2015 vì cáo buộc phạm tội “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” và “xâm phạm an ninh quốc gia”.

Tiếp tục bị sách nhiễu sau khi ra tù, anh Y Chuân Mlô sang Thái Lan tìm kiếm tỵ nạn vào tháng 9/2019.

Anh Y Khiu Niê (sinh năm 2003) cũng là người Êđê ở Đắk Lắk, theo hội thánh Tin Lành tư gia. Ở Việt Nam, anh đã bị bắt giữ đánh đập nhiều lần, trong đó nặng nhất là ngày 15-18/5/2023, bị “đá vô sườn”, “đấm vô mặt”, “bắt ‘làm việc’ tới 1-2 giờ sáng”, bị cưỡng ép thừa nhận hoạt động cùng ông Y Krêc Byă để “phá hoại chính sách nhà nước” (tháng 3/2024, thầy truyền đạo Y Krêc Byă bị tuyên án 13 năm tù giam với tội “phá hoại chính sách đoàn kết”).

Bản phúc trình năm 2024 của Tổng Thư ký LHQ về việc đe dọa và trả thù những người đã hợp tác với LHQ có nhắc tới trường hợp anh Y Khiu Niê.  

Vì đã bị đàn áp liên tục từ năm 2019, anh trốn sang Thái Lan tháng 2/2025.

 

Họ bị bắt như thế nào?

60 nguoi Thuong bi bat 2

Anh Y Khiu Niê mặt áo đen. 

Như chúng tôi trước đây đã đưa tin, ngày 23/2/2025, khoảng 60 người Thượng bị cảnh sát Thái Lan bắt khi đang tụ tập cầu nguyện cho một người vừa qua đời.

Trong số họ là Y Khiu Niê và Y Chuân Mlô. Họ vào tù Thái Lan vì cư trú bất hợp pháp, rồi bị đưa vào IDC ngày 11/3/2025. Cùng phòng.

 

Sứ quán Việt Nam gửi vé máy bay lúc nửa đêm

Anh Y Khiu Niê kể lại “Ngày 26/3/2025… khoảng nửa đêm, khoảng 11 giờ kém, lúc chúng tôi đang ngồi ngủ, một [nhân viên] IDC tới gõ cửa phòng và nói là hai người ra đây, dọn đồ ngay. Chúng tôi không hiểu tiếng Thái, một người bạn của tôi hỏi dọn đồ làm gì. [Nhân viên] IDC nói là về Việt Nam, đã có vé máy bay cho hai người này rồi, về nhanh đi.”

Hai người là anh Y Khiu và một người Thượng khác, tên D, hiện vẫn đang kẹt trong IDC.

Anh Y Chuân Mlô nói “Chúng tôi nhảy vào nói là không được về, họ lừa đấy, đừng có về. Chúng tôi vào đó ngăn cản… Hai người đó không biết, tưởng được thả về.”

“Chúng tôi nói chúng tôi là người UN, chúng tôi không về. [Nhân viên] này chửi thề chúng tôi, rồi đi,” anh Y Khiu nói.

 

Nhà cầm quyền sách nhiễu từ Việt Nam sang Thái Lan

Anh Y Khiu Niê cho biết, ngày 18/4/2025, nhân viên sứ quán Việt Nam tới IDC tìm gặp anh, một người Thượng khác tên P, và một người H’mông. “Ông này nói, anh không cần biết tôi là ai. Anh chỉ cần biết tôi là đại sứ quán, tôi tới đây hỗ trợ giấy tờ đưa anh về nước.”

Anh và ông P đều từ chối.

Anh nói thêm, cùng đến gặp nhân viên sứ quán với người tỵ nạn là ông Vũ, trưởng phòng tại phòng giam của họ trong IDC.

“Sau khi tôi và [người Thượng kia] gặp ông [bên đại sứ quán], ông Vũ cũng nói chuyện với đại sứ quán nhưng tôi không biết họ nói gì… Chỗ ngồi không gần, nói gì tôi không [biết].”

Ông Vũ chính là người tôi đã nhắc tới trong một bài viết gần đây, đánh một người tỵ nạn người H’mông tên K đến bất tỉnh trong nhà vệ sinh vào ngày 1/5/2025. Người kể lại câu chuyện cho tôi từ trong IDC là ông C, anh trai ông K, và hai anh Y Chuân Mlô và Y Khiu Niê đều đã xác thực vụ đánh đập đó.

Ngoài sự việc ngày 18/4, hai anh Y Khiu và Y Chuân đều cho biết một lần khác hai công an Việt Nam Y Lương Niê và A Trung cũng tới nói chuyện với hai người Thượng D và P, bảo họ trở về Việt Nam. Tôi không biết D và P, nhưng một chi tiết đáng chú ý là, ông Y Lương Niê là Trung tá, Phó trưởng phòng Công an đối nội tỉnh Đắk Lắk, và có mặt trong phái đoàn công an Việt Nam sang Thái Lan gặp người tỵ nạn vào tháng 3/2024. Như đã viết trước đây, trong khi Thiếu tướng Rahlan Lâm tìm cách dụ dỗ ngon ngọt, kêu gọi người tỵ nạn hồi hương, nói “Đất nước mình tự do, muốn ăn lá mì, có lá mì… Muốn ăn thịt chó, có thịt chó”, ông Y Lương Niê lại dò hỏi thông tin người tỵ nạn, hỏi về Y Quynh Bdap và một số người khác. Một người Thượng tỵ nạn cũng cho biết từng bị ông Y Lương Niê tra khảo trước đây ở Việt Nam.

 

Tình trạng người tỵ nạn bị đánh đập trong IDC

Chúng tôi không thể khẳng định những vụ người Việt đánh đập người tỵ nạn trong IDC có liên quan gì tới sứ quán Việt Nam hay không. Điều chúng tôi có thể khẳng định là một số nhân chứng đã kể lại mình bị đánh hoặc nhìn thấy người khác bị đánh bởi trưởng phòng người Việt—ông Vũ và ông Trần Thanh Tuấn—trước sự dửng dưng vô cảm của quản lý trại giam IDC, không can thiệp và cũng chẳng trừng phạt kẻ đánh người.

Ông C nói vào ngày 14/5/2025 “Từ vụ [đánh ông K] tới giờ đã xảy ra 5 vụ, cảnh sát không can thiệp.”

Anh Y Chuân Mlô cũng kể lại một trường hợp khác – không phải người Việt – bị phe cánh ông Vũ đánh đến “chảy máu đầu, chảy máu mũi”, “dập đầu vào bồn cầu đến tét đầu ra”, phải “khâu lại năm mũi.” Anh cho biết người bị đánh sau đó được chuyển sang phòng khác còn ông Vũ không bị gì và cũng chẳng mất vị trí trưởng phòng, chỉ bị phạt 10,000 baht (khoảng 304 USD).

 

Làm thế nào họ ra khỏi IDC?

Seven IDC detainees released 2025 05 15 031107 002

7 người Thượng ra khỏi IDC ngày 15/5/2025, với sự bảo lãnh của Mục sư 'Smile' (Y Khiu Niê mặc áo đen). 

Phối hợp với một số mục sư Tin Lành người Thái đứng tên bảo lãnh, và hai tổ chức người Mỹ đóng góp tiền phạt (1.500 USD mỗi người), văn phòng CAP (Centre for Asylum Protection, do BPSOS thành lập và tài trợ ở Thái Lan) đã giúp lập hồ sơ tại ngoại cho những người Thượng bị bắt.

Anh Y Chuân Mlô ra khỏi IDC ngày 7/5. Anh Y Khiu Niê, ngày 15/5.

 

Những người tỵ nạn vẫn còn kẹt tại IDC

Theo thông tin chúng tôi có được, hiện nay trong IDC còn 13 người H’mông, trong đó 8 người đã có quy chế tỵ nạn LHQ, 5 người chưa có.

Còn 7 người Thượng, trong đó 5 người đã có quy chế, 2 người chưa có.

Đặc biệt nguy hiểm và đáng lo ngại là 3 trường hợp người Thượng (D, P, và một phụ nữ), đã có tiền đóng thế chân, đã có người bảo lãnh, nhưng chưa được IDC ký giấy cho ra, do sự can thiệp của chính quyền Việt Nam.

Anh Y Khiu nói “Một là tôi sợ họ sẽ bị đánh. Hai là họ có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam.”

Riêng cùng phòng với ông Vũ là 4 người Thượng. Anh Y Chuân nói “Họ rất bị nguy hiểm. Ông Vũ đã đe dọa rồi… [Hồi trước đánh] không được vì chúng tôi đông người, ổng không dám, bây giờ chúng tôi về hết rồi, còn lại 4 người, sợ nhất là ổng nhảy vào đánh. Rất lo ngại.” 

Những quý vị hảo tâm muốn hỗ trợ người tỵ nạn ra khỏi IDC, xin hãy liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ email bpsos@bpsos.org.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này