Cáo buộc BPSOS, nhà nước Việt Nam gặp phản ứng mạnh của quốc tế

Ngày 25/3/2025, TS. Nguyễn Đình Thắng tại buổi công bố phúc trình năm 2025 của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo (USCIRF), cùng GT-TS Stephen Schneck (Chủ tịch USCIRF), LS Sean Nelson (Cố vấn Pháp lý của ADF International), và Ủy viên USCIRF Mohamed Elsanusi.

 

Ngày 14/2/2025 vừa qua, Bộ Công an Việt Nam xếp BPSOS là “tổ chức liên quan đến khủng bố” (một số kênh truyền thông ở Việt Nam dùng cụm từ “tổ chức khủng bố”), và TS. Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc BPSOS, là “đối tượng liên quan đến khủng bố”.

Gần như ngay lập tức, quốc tế đã có phản ứng mạnh mẽ (xem video ở cuối bài).

Ngày 15/2, ông Phil Robertson (cựu Phó Giám đốc ban châu Á của Human Rights Watch) viết trên x.com (trước đây là Twitter):

“Việt Nam gắn nhãn ‘khủng bố’ một cách lố bịch và không thể chấp nhận được để tấn công một tổ chức phi chính phủ đang đấu tranh ôn hòa cho nhân quyền tại quốc gia đó. Đúng ra, Bộ Công an mới là phe đang khủng bố người dân.”  

Ông Mervyn Thomas (Chủ tịch Sáng lập của tổ chức Anh Quốc CSW và Chủ tịch của UK FoRB Forum) phản đối tuyên bố của Bộ Công an trên trang web của CSW vào ngày 17/2, và cũng nói trong video đăng ngày 29/3:

“Nếu tôi là TS. Thắng, tôi sẽ xem đây như một huy hiệu danh dự. Lời cáo buộc này cho thấy tôi đang làm rất tốt việc phơi bày những vi phạm về tự do tôn giáo đang diễn ra tại Việt Nam hiện nay.”

Ông cũng nói “Chúng tôi rất muốn nghe chính phủ Việt Nam nói thực ra chúng tôi sai. Hãy chứng minh cho chúng tôi thấy họ cho phép người dân tự do thực hành tôn giáo, không bị cản trở, ở Việt Nam,” và nhắc tới việc chính quyền Việt Nam cấp xuất cảnh ba người Việt, không cho họ sang Washington, DC tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo (IRF Summit) vào tháng 2 vừa qua.

Ngày 14/3, Đại sứ Robert Rehak đăng video trên trang x.com, trong đó nói:

“‘Hơn 30 năm qua, Boat People SOS đã đấu tranh cho những người không có tiếng nói—người tỵ nạn, nạn nhân buôn người, và các cộng đồng bị bách hại. Họ đã cứu người, bảo vệ nhân phẩm, và đấu tranh cho các quyền cơ bản.”

Đại sứ Robert Rehak là Đặc sứ về tự do tôn giáo quốc tế của Cộng hòa Séc, và là Chủ tịch Article 18 Alliance (Liên minh Điều 18, trước đây gọi là IRFBA) gồm trên 40 chính quyền cùng bảo vệ tự do tôn giáo toàn cầu.

“Lời cáo buộc như vậy không những sai trái, mà còn nhằm bịt miệng những người đứng lên vì tự do tôn giáo, hay công lý.”

Ông nói ông quen và rất trân trọng TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS, và nói “Tôi rất tự hào được sát cánh với TS. Thắng và Boat People SOS.”

Hưởng ứng tiếng nói của Đại sứ Robert Rehak, ông Sam Brownback viết ngày 17/3:

“Từng làm việc nhiều năm với BPSOS, tôi có thể tự tin nói họ không phải là một tổ chức khủng bố. Việc chính phủ Việt Nam gọi BPSOS như vậy bộc lộ rất nhiều về chính họ và sự bất an của họ.”

Ông Sam Brownback là Cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, Cựu Thống đốc tiểu bang Kansas, và Cựu Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế.

Trong video đăng ngày 20/3, TS. Katrina Lantos-Swett (Chủ tịch Quỹ Nhân quyền và Công lý Lantos và Đồng Chủ tịch Hội nghị IRF) nói:

“Chúng ta đều biết rằng, trong hai năm qua, Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) đã đưa Việt Nam vào danh sách Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì những vi phạm có hệ thống, nghiêm trọng, và liên tục đối với tự do tôn giáo. […] Hành động lố bịch và phi lý này của chính phủ Việt Nam chỉ cho thấy rằng họ hoàn toàn không đáng tin cậy trong vấn đề này. […] Họ sợ một tổ chức đang vạch trần những vi phạm của họ.”

Ngày 25/3, Raoul Wallenberg Centre for Human Rights (Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg) của Canada đã đưa ra một tuyên bố khá dài trên trang web của họ về cáo buộc của Bộ Công an, trong đó nói họ “lên án mạnh mẽ hành động đàn áp xuyên quốc gia trắng trợn này, một sự tấn công vô căn cứ vào XHDS và chà đạp lên các quyền con người phổ quát, dân chủ, và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.”

Trong tuyên bố, Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg cũng lên tiếng bênh vực Y Quynh Bdap và tổ chức Người Thượng vì Công lý (Montagnards Stand for Justice).

Ông Sean Nelson (Cố vấn pháp lý của tổ chức ADF International, có trụ sở ở Áo) nói trong video đăng ngày 26/3:

“Chính phủ Việt Nam không thích những nhóm tôn giáo muốn hoạt động theo niềm tin và tổ chức riêng của họ. Họ muốn mọi thứ nằm trong hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ. […] Lý do duy nhất chính phủ Việt Nam gán nhãn cho họ và TS. Thắng là khủng bố là để không cho họ cho thế giới biết sự thật.”

Ngày 1/5, phát biểu tại sự kiện đánh dấu Ngày Nhân quyền Việt Nam năm 2025, Đại sứ Julie Turner (Quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động) lên án hành vi tấn công xuyên quốc gia này, và nói:

“Hoa Kỳ ưu tiên sự an toàn của công dân Mỹ và sẽ tiếp tục phản đối mọi chính phủ theo dõi, đe dọa, và tấn công tùy tiện và bất hợp pháp người Mỹ đang thực hiện các quyền con người phổ quát của họ.”

Ngày 4/5, Dân biểu Chris Smith đưa vào Quốc hội Luật Nhân quyền Việt Nam năm 2025, HR 3122, trong đó có đoạn yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ bảo vệ công dân và doanh nghiệp Hoa Kỳ bị Bộ Công an Việt Nam theo dõi qua mạng và đàn áp xuyên quốc gia.

Ngày 30/5, Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg đưa ra thông cáo báo chí về việc nộp cho Ủy ban Nhân quyền LHQ một bản báo cáo chung, cùng hai tổ chức BPSOS và Người Thượng vì Công lý, về “tình trạng mất tích cưỡng bức, đàn áp xuyên quốc gia, và vi phạm quyền tự do biểu đạt” ở Việt Nam, để chuẩn bị cho phiên rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi  Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).

Video sau, do Hải Di Nguyễn thực hiện, tổng hợp các câu phát biểu của những cá nhân và tổ chức đã kể trên, cùng các tổ chức nhân quyền khác như Jubilee Campaign USA, Human Rights First, và Law Liberty Trust.

Trả lời câu hỏi vì sao BPSOS không lên tiếng khi bị cáo buộc, TS. Thắng cho biết:

“Chúng tôi không nghĩ chính mình cần lên tiếng đính chính mà cứ để quốc tế lên án và họ đã lên án. Khi ấy người dân trong nước, những ai có ý thức, thì cũng nhận ra ngay bản chất vu khống của Bộ Công An Việt Nam.”

TS. Thắng cho biết đã cùng một số tổ chức nhân quyền quốc tế đề nghị với một vài chính quyền phương Tây chế tài 3 quan chức Bộ Công an trách nhiệm về cáo buộc khủng bố. BPSOS cũng đã bổ sung đơn kiện đài truyền hình VTV, nộp tòa án ở California tháng 4/2023, về lời vu khống BPSOS và TS. Thắng là khủng bố.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này