[Tị nạn Thái Lan] Chĩa mũi nhọn áp lực vào Thái Lan

  • Việc làm dễ và nhẹ nhưng hiệu quả

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 5 tháng 6, 2025

http://machsongmedia.org

Vận động quốc tế áp lực Thái Lan nằm trong kế hoạch cưu mang đồng bào tị nạn ở quốc gia này, được trình bày trong bài “Đồng bào tị nạn đang nguy kịch, cần chúng ta cưu mang.” Thái Lan đang đóng vai công cụ đe doạ, hành hạ và giam giữ người tị nạn hộ cho nhà nước Việt Nam. Có những việc cụ thể, dễ dàng nhưng hiệu nghiệm, mà người Việt ở hải ngoại có thể  thực hiện để xoay chuyển tình trạng này.

Art2_Pic1.jpg

Hình 1 -- Chiến dịch toàn cầu đòi tự do cho anh Y Quynh Bdap cùng một số tù nhân lương tâm tôn giáo khác

Tại sao lại là Thái Lan?

Khi nói đến đàn áp nhân quyền, đặc biệt quyền tự do tôn giáo, ít ai nghĩ đến Thái Lan.

Chính phủ Thái Lan ngấm ngầm thoả thuận với các chế độ độc tài trong vùng, gồm có Việt Nam, China, Lào, Campuchia và Miến Điện, để bắt, giam, và dẫn độ những đối tượng cần truy bắt. Từ năm 2013 đến nay ít ra 4 người Việt xin tị nạn ở Thái Lan đã bị bắt cóc và dấn giải về Việt Nam.

Ngày 20 tháng 6, 2023, Thứ Trưởng Công An Nguyễn Văn Long gặp người đồng cấp của Thái Lan để thảo luận về thực thi “Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù và hợp tác thi hành án hình sự” giữa mà hai bên ký kết năm 2010. Đây là động thái chuẩn bị để mở đường cho Thái Lan giao trả những ai bị nhà nước Việt Nam kết án.

Đầu năm 2024, Việt Nam tuyên án khiếm diện 10 năm tù cho Ông Y Quynh Bdap, người đồng sáng lập tổ chức nhân quyền Hội Người Thượng Vì Công Lý. Từ 2019, tổ chức này đã nộp cho LHQ 200 bản báo cáo vi phạm nhân quyền xảy ra ở khu vực Tây Nguyên.

Tháng 6 năm 2024, Thái Lan  bắt và bỏ tù Ông Bdap theo yêu cầu dẫn độ của Việt Nam. Đồng thời, cảnh sát lùng bắt hàng loạt đối tượng trong tầm ngắm của Bộ Công An. Một số người bị giam giữ đến nay vẫn không được lập hồ sơ tại ngoại vì có lệnh truy nã của Việt Nam.

Mới đây, Việt Nam và Thái Lan nâng cấp quan hệ ngoại giao lên thành Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện. Có thể nhà nước Việt Nam sẽ vin vào đó để mượn tay chính phủ Thái Lan gia tăng đàn áp xuyên quốc gia người Việt tị nạn.

Áp lực lên chính phủ Thái Lan

Trong 12 tháng qua BPSOS vận động quốc tế tăng áp lực lên chính phủ Thái Lan, cho họ biết là quốc tế đã biết và đang quan tâm. Đến nay, nhiều chuyên gia nhân quyền LHQ, các tổ chức nhân quyền ở nhiều quốc gia, và nhiều cá nhân uy tín quốc tế đã gửi văn thư đến Thủ Tướng và Ngoại Trưởng Thái Lan, yêu cầu không giao trả anh Y Quynh Bdap về nơi từng bị đàn áp, giam giữ, tra tấn.

BPSOS đã nêu vấn đề tại cuộc rà soát của LHQ đối với Thái Lan về thực thi các công ước về nhân quyền, ngày 5 tháng 11, 2024. BPSOS cũng đã gửi bản tường trình đến các Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Chống Tra Tấn và về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin.

Tại mọi diễn đàn khu vực và quốc tế, đại diện của BPSOS kêu gọi sự quan tâm đến Thái Lan, đang là công cụ đàn áp xuyên quốc gia cho các chế độ độc tài trong vùng.  

Thiên thời

Chính phủ Thái Lan đương thời có chính sách nước đôi. Họ ngấm ngầm thoả thuận đàn áp nhân quyền hộ cho các chế độ độc tài trong khu vực, nhưng mặt khác lại tỏ ra chia sẻ các giá trị về nhân quyền với Phương Tây. Tháng 2 năm 2023, Quốc Hội của quốc gia này thông qua Luật Chống Tra Tấn và Mất Tích Bắt Buộc – nghĩa là bắt cóc, thủ tiêu. Đầu năm 2025, Thái Lan làm thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.

Ngày 27 tháng 2, nghĩ rằng quốc tế không để ý, Thái Lan âm thầm dẫn độ 40 người Hồi Giáo Uyghur về China. Họ sững sờ khi chỉ 2 tuần sau, Ngoại Trường Hoa Kỳ Marco Rubio ban lệnh chế tài các quan chức Thái Lan hữu trách.

Khai thác sự kiện này, BPSOS đã lập tức gia tăng áp lực quốc tế lên Thái Lan bằng cách:

(1) Nộp báo cáo về tình trạng người tị nạn bị đánh đập, tra tấn, và ép hồi hương trong các trại giam của Sở Di Trú Thái Lan để chuẩn bị cho LHQ rà soát Thái Lan về công ước về quyền phụ nữ vào ngày 19 tháng 6 tới đây.

(2) Cùng nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế phát động chiến dịch toàn cầu, mệnh danh  “CởI Trói Cho Đức Tin” (Faith Unchained), để đòi tự do cho Y Quynh Bdap và 4 tù nhân lương tâm tôn giáo khác. Chiến dịch này, qua hồ sơ của Y Quynh Bdap, tạo áp lực nói chung lên chính phủ Thái Lan.

Lời kêu gọi

Mở đầu chiến dịch, chúng tôi đã soạn thư chung gửi Ngoại Trưởng Marco Rubio, đến nay đã có 180 chữ ký. Chúng tôi kêu gọi các tổ chức, các hội đoàn người Việt ở mọi quốc gia (nhưng tránh các đảng phái và tổ chức mang tính chính trị) cùng ký tên: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSf3Is0fiAUY_sxbaBB0ieUwumoIHI3rnBVsq-uE1KKmHErKQg/viewform  

Chúng tôi cũng kêu gọi mọi cá nhân tiếp tay phổ biến chiến dịch này đến những nơi quen biết, kể cả các tổ chức tôn giáo, từ thiện, nhân quyền người bản xứ: https://drive.google.com/file/d/1-zKNVNB7Cf6i3nkY8sPgSEm0UyT5xPTo/view

Đây là 2 việc dễ và không tốn nhiều công sức nhưng làm giảm nhẹ đi mối đe doạ thường trực và cận kề cho đồng bào tị nạn. Mục tiêu của chúng tôi là đạt 300 chữ ký nội trong tháng 6.

Bước xa hơn, chúng tôi sẽ soạn thỉnh nguyện thư tương tự gửi cho lãnh đạo quốc gia Phương Tây.

Chúng tôi sẽ trình bày các biện pháp khác trong kế hoạch cưu mang đồng bào trong những bài kế tiếp.

Art2_Pic2.jpg

Hình 2 – MS A Ga cùng vợ con ở phi trường Raleigh, North Carolina, ngày 25/09/2018

Phụ chú: Chính phủ Thái Lan có thành tích bắt và giao trả người tị nạn về cho các chế độ độc tài lân bang.

  • Năm 2009, Thái Lan bắt 5 nhà sư Khmer Krom vừa chạy thoát khỏi Việt Nam và giao cho cảnh sát Campuchia để chuyển cho công an Việt Nam. Họ may mắn chạy thoát, quay lại Thái Lan và được nhanh chóng đưa định cư ở các quốc gia Bắc Âu.
  • Năm 2010, Thái Lan giao hơn 300 người Hmong Lào theo Đạo Tin Lành đã được CUTN/LHQ công nhận tư cách tị nạn cho chính quyền cộng sản Lào. Do Hoa Kỳ can thiệp, số người này được âm thầm đưa trở lại Thái Lan để định cư Hoa Kỳ. Tuy nhiên, từ đó Thái Lan cấm người Hmong Lào tiếp cận CUTN/LHQ để xin quy chế tị nạn.
  • Năm 2013, cảnh sát Thái Lan bắt Ông Đặng Chí Hùng theo lệnh truy nã của công an Việt Nam. CUTN/LHQ can thiệp cho Ông định cư Canada từ trại giam IDC.
  • Năm 2018, cảnh sát Thái Lan bắt Mục Sư A Ga theo lệnh truy nã của công an Việt Nam. Nhờ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ can thiệp, CUTN/LHQ kín đáo đưa MS Aga cùng vợ con từ IDC sang Philippines tạm lánh. Sau vài tháng họ đã định cư Hoa Kỳ.
  • Năm 2019, cảnh sát Thái Lan bắt cóc ký giả Trương Duy Nhất và giao cho công an Việt Nam.
  • Năm 2023, cảnh sát Thái Lan bất ngờ chở 63 tín đồ Tin Lành thuộc một hội thánh ở China ra phi trường để dẫn độ. Nhờ BNG Hoa Kỳ can thiệp, Thái Lan chấp nhận cho họ đến Hoa Kỳ định cư.

Bài liên quan:

Đồng bào tị nạn đang nguy kịch, cần chúng ta cưu mang
https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2436-ti-nan-thai-lan-dong-bao-ti-nan-dang-nguy-kich-can-chung-ta-cuu-mang.html

Rà soát Thái Lan: “Tại sao Việt Nam quan tâm vụ Y Quynh Bdap như vậy?”
https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2272-ra-soat-thai-lan-tai-sao-viet-nam-quan-tam-vu-y-quynh-bdap-nhu-vay.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này