ICCPR: Rà soát Việt Nam về các quyền dân sự và chính trị vào ngày 7-8 sắp tới 




BPSOS




Sắp tới, ngày 7-8/7/2025, tại Thụy Sỹ sẽ diễn ra phiên rà soát nhà nước Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt ICCPR). Đây là cơ hội để người dân trong nước, đặc biệt các cộng đồng đang bị bách hại, và các nạn nhân bị đàn áp đang phải lánh nạn ở quốc gia khác có thể, thông qua LHQ, yêu cầu nhà nước Việt Nam giải trình về các vi phạm nhân quyền.

Tất cả mọi người đều có thể theo dõi trực tiếp trên trang UN Web TV.

 

Vì sao ICCPR là văn kiện quan trọng nhất trong hệ thống luật nhân quyền quốc tế?

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát (Universal Declaration of Human Rights) là một cam kết không ràng buộc đối với các quốc gia thành viên của LHQ. Các cam kết này được phân ra thành 2 công ước mang tính cách ràng buộc: Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế Xã hội và Văn hóa (ICESCR).

ICCPR bao gồm những quyền căn bản nhất như quyền sống; quyền được xét xử công bằng và có công lý; quyền được đối xử bình đẳng trước tòa án; quyền tự do và an ninh cá nhân, không bị bắt hay giam giữ tùy tiện; quyền được đối xử nhân đạo và được tôn trọng phẩm giá khi bị tước tự do; quyền tự do đi lại; quyền riêng tư; quyền tự do tư tưởng, lương tâm, và tôn giáo; quyền tự do hội họp và lập hội; quyền tự do biểu đạt; quyền trẻ em; v.v.

Công ước ICCPR ra đời năm 1966, bắt đầu hiệu lực từ năm 1976. Chính quyền Việt Nam tham gia Công ước từ năm 1982.

 

Ai đánh giá tình trạng nhân quyền? Dựa vào đâu?

Khác với UPR (Universal Periodic Review, tức Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát hay Rà soát Định kỳ Phổ quát), việc rà soát này không phải do các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền thực hiện, mà do Ủy ban Nhân quyền LHQ (Human Rights Committee). 

Họ dựa theo thông tin từ chính chính quyền Việt Nam cung cấp, từ các tổ chức XHDS, và từ các tư liệu sẵn trong văn khố của LHQ. Trên trang web của UN hiện nay có tổng cộng 51 báo cáo từ các tổ chức XHDS.

 

Nêu ra những vấn đề gì?

Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã tóm tắt danh sách các vấn đề LHQ đã nêu ra cho nhà nước Việt Nam.

BPSOS, cùng một số tổ chức XHDS khác, đã nộp báo cáo từ tháng 1/2024 và gửi thêm 5 báo cáo chung vào tháng 5/2025 (trong đó 4 bản đã được công bố), tiếp tục tập trung vào hai vấn đề chính là tự do tôn giáo và nạn buôn người.

Về tự do tôn giáo, BPSOS cung cấp bằng chứng cho thấy Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập, cưỡng ép bỏ đạo; tiếp tục đàn áp một cách hệ thống cộng đồng người Thượng và người H’mông theo đạo Tin Lành, người Khmer Krom theo Phật giáo; chà đạp lên các quyền liên quan như tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do hội họp và lập hội… Đặc biệt vạch trần các tổ chức tôn giáo bị nhà nước điều khiển, điển hình là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo, Chi phái Cao Đài 1997, Hội thánh Tin Lành Việt Nam – miền Bắc, Hội thánh Tin Lành Việt Nam – miền Nam, và Ủy ban Đoàn kết Công giáo.

Về nạn buôn người, BPSOS nói về hai vấn đề: các đường dây buôn người nhằm cưỡng ép tham gia các hoạt động phạm pháp (như lừa đảo) ở Đông Nam Á; và tình trạng cưỡng ép, bóc lột, đánh đập, tấn công tình dục trong chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước. Báo cáo đặc biệt nêu lên thực trạng chính quyền Việt Nam có định nghĩa rất hẹp về buôn người, so với Công ước Palermo, và không công nhận nhiều nạn nhân buôn người.

Ngoài hai vấn đề trên, BPSOS cũng gửi thêm một bản báo cáo, cùng tổ chức Người Thượng vì Công lý và Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg, về việc chính quyền Việt Nam đàn áp xuyên quốc gia, với sự hợp tác của chính quyền Thái Lan.

 

Vì sao ICCPR quan trọng với Việt Nam?

Về phía nhà nước, đây là cơ hội tuyên truyền với LHQ và người dân là Việt Nam đã cải thiện tình trạng nhân quyền và không có chuyện đàn áp tự do, nhân quyền.

Về phía người dân, đây là cơ hội tìm hiểu thêm về luật quốc tế về những quyền mình (lẽ ra) phải có, và nghe chính quyền trả lời chất vấn về tình trạng nhân quyền. Người nghe có thể tự mình đối chiếu cáo buộc của LHQ, kinh nghiệm và thông tin bản thân, và cách trả lời của phái đoàn nhà nước Việt Nam. Các bản báo cáo của BPSOS đều có sự đóng góp của chính nạn nhân ở trong nước hoặc đang lánh nạn bên Thái Lan.

Người dân và các nhà hoạt động nhân quyền sau đó có thể sử dụng các quan sát kết luận và khuyến nghị của LHQ để yêu cầu ngược lại với bộ máy chính quyền, và để vận động ở các diễn đàn, các cơ quan chính quyền, chẳng hạn như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

 

Xem ở đâu?

Quý vị có thể theo dõi trực tiếp phiên rà soát trên trang UN Web TV.

Phần 1: ngày 7/7/2025, 3g chiều giờ Geneva tức 8g tối giờ Việt Nam:

https://webtv.un.org/en/asset/k1i/k1id9wyhg7

Phần 2: ngày 8/7/2025, 10g sáng giờ Geneva tức 3g chiều giờ Việt Nam:

https://webtv.un.org/en/asset/k1d/k1d6z5gse1

BPSOS cũng sẽ có một phái đoàn có mặt trực tiếp tại Geneva, Thụy Sỹ, và sẽ tiếp tục cập nhật.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này