Xã luận: “Chợ chiều công lý” và phiên toà bán đấu giá niềm tin
FB. Nguyễn Văn Đài
Ở một đất nước mà người dân có thể bị kết án tù 10 tháng vì trộm ổ bánh mì, hay 7 năm chỉ vì hai con vịt, thì những phiên toà dành cho quan chức tham nhũng hàng chục tỷ đồng lại như… phiên chợ chiều. Bất kỳ ai theo dõi phiên xử bà Hoàng Thị Thúy Lan — cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc — đều không khỏi giật mình khi mức án chỉ dừng lại ở 14 năm tù cho hành vi nhận hối lộ trị giá hơn 25 tỷ đồng và 1 triệu đô la Mỹ.
Câu hỏi đặt ra không chỉ là: “Tại sao lại nhẹ như vậy?” mà nghiêm trọng hơn: Công lý đang được rao bán với giá nào?
Một phiên chợ, nhiều mức giá
Hệ thống tư pháp Việt Nam hiện nay đang cho thấy sự bất ổn nghiêm trọng trong nguyên tắc xét xử công bằng. Người dân nghèo vi phạm vì miếng ăn có thể nhận án bằng hoặc nặng hơn những cán bộ nhận hàng chục tỷ đồng để bán rẻ quyền lực Nhà nước. Có thể nào một nền tư pháp văn minh lại chấp nhận một mặt bằng “giá án” tùy thuộc vào địa vị người đứng trước vành móng ngựa?
Việc bà Lan chỉ bị tuyên 14 năm tù, trong bối cảnh giảm án, đặc xá, thi đua, có thể sẽ chỉ còn chịu án thực vài năm, giống như tiền lệ từ các vụ án lớn khác — là một thông điệp rõ ràng: quan chức sai phạm thì “có cửa” để quay lại, thậm chí tiếp tục quyền lực như chưa từng có gì xảy ra.
Luật cho dân, lệ cho quan?
Không có gì sai hơn khi công lý bị vận hành theo hai chuẩn mực: luật pháp nghiêm khắc với dân thường, nhưng lại mềm dẻo, linh hoạt với quan chức. Đáng lo hơn nữa là những tuyên bố gần đây về việc không áp dụng hình phạt tử hình cho tội phạm tham nhũng. Khi mà án tử hình cho quan chức tham nhũng bị loại bỏ, thì liệu có khác gì bật đèn xanh cho sự “giơ tay” thoải mái?
Trong mắt người dân, điều đó không chỉ là bất công — đó là sự nhạo báng công lý.
Chợ chiều niềm tin
Mỗi phiên toà bất công không chỉ kết tội một cá nhân, mà còn bào mòn lòng tin vào thể chế và hệ thống. Khi công lý bị nhìn như một món hàng có thể mặc cả, niềm tin của người dân trở thành thứ hàng hóa bị bán rẻ nhất trong chợ chiều quyền lực.
Không có sự phát triển bền vững nào có thể tồn tại trên nền tảng công lý nứt vỡ. Và không có sự ổn định nào có thể được duy trì nếu người dân không còn tin vào cán cân công lý.
Đừng để Tòa án – nơi vốn phải là thành trì công lý – trở thành sạp hàng cuối phiên chợ chiều.
Nhận xét