Trường hợp Y Quynh Bdap không chỉ là vấn đề của người Thượng

Buổi cầu nguyện đa sắc tộc, đa tôn giáo của người Việt tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF) năm 2025: cầu nguyện cho hòa bình, tự do, và cho các tù nhân lương tâm trên toàn thế giới. 

 


Hải Di Nguyễn



Một phần của chiến dịch #FaithUnchained (Cởi trói cho Đức tin), Bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế đang chia sẻ một lá thư yêu cầu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio can thiệp 5 trường hợp tù nhân lương tâm tôn giáo, trong đó có nhà hoạt động nhân quyền người Thượng Y Quynh Bdap, hiện đang bị giam cầm ở Thái Lan và đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ về Việt Nam.

Trường hợp Y Quynh Bdap không chỉ là vấn đề của một cá nhân, cũng không phải là vấn đề của chỉ riêng người Thượng.

Thứ nhất, đây là vấn đề tự do tôn giáo hay niềm tin—quyền theo đạo, quyền thờ phượng và thực hành niềm tin tôn giáo theo cách của mình mà không bị quấy nhiễu hoạnh họe, không bị đe dọa, không bị phân biệt đối xử, không bị tước mất giấy tờ và quyền lợi, không bị cưỡng ép bỏ đạo, không bị cưỡng bức gia nhập giáo hội này hay hội thánh kia, không bị tước đoạt đất đai, không bị tra tấn đánh đập, không bị cầm tù, không bị đàn áp. Thiếu tự do tôn giáo là tình trạng chung ở Việt Nam, đặc biệt khi là thành viên một nhóm độc lập không chịu sự kiểm soát của nhà nước và/hoặc cũng là người bản địa hoặc sắc tộc thiểu số.

Thứ hai, đây là vấn đề tự do biểu đạt, và các quyền của những tổ chức XHDS và tổ chức nhân quyền. Cho tới nay, chúng ta vẫn chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào đáng tin cho thấy Y Quynh Bdap hay tổ chức Người Thượng vì Công lý có dính dáng tới vụ xả súng ngày 11/6/2023 tại Đắk Lắk. Người Thượng vì Công lý bị xếp là “tổ chức khủng bố” và Y Quynh Bdap bị bản án 10 năm tù chỉ vì lên tiếng cho tự do tôn giáo, chỉ vì tranh đấu cho các quyền căn bản của người Thượng, chỉ vì vạch trần cho thế giới thấy cách nhà nước Việt Nam chà đạp lên nhân quyền và phân biệt một cách có hệ thống với người Thượng.

Nhưng không chỉ người Thượng. Người H’mông, người Chăm, người Khmer Krom, người Việt nói chung cũng bị đàn áp, bị bịt miệng và cầm tù.

FaithUnchained letter

Thứ ba, đây là vấn đề an toàn cho người tỵ nạn và người xin tỵ nạn nói chung ở Thái Lan. Thái Lan đã từng bị cáo buộc hợp tác với Việt Nam và các chế độ độc tài láng giềng. Thái Lan đã có vài trường hợp người Việt bị bắt cóc đưa về nước. Thái Lan đã nhiều lần trả người tỵ nạn về những nơi nguy hiểm như Miến Điện, China, Campuchia, Lào…, gần đây nhất là khoảng 40 người Uyghur. Nếu dẫn độ Y Quynh Bdap về Việt Nam, bất chấp quy chế tỵ nạn Y Quynh đã có từ LHQ, bất chấp nguy cơ bị ngược đãi tra tấn, bất chấp luật quốc tế và nguyên tắc non-refoulement (không gửi trả người tìm kiếm tỵ nạn về nơi họ bị đàn áp), bất chấp phản ứng từ các nước khác, Thái Lan sẽ tạo tiền lệ vô cùng xấu không chỉ cho người Thượng, không chỉ cho người tỵ nạn từ Việt Nam, mà cho tất cả mọi người tỵ nạn và xin tỵ nạn tại đó nói chung.

Chính phủ Thái Lan có thể đang chùn tay vì Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio đã tuyên bố sẽ chế tài các quan chức liên quan tới vụ trục xuất người Uyghur về China, và lá thư của #FaithUnchained đang kêu gọi ông Rubio và Hoa Kỳ can thiệp để tăng thêm áp lực lên Thái Lan (cùng 4 quốc gia khác).

4 tù nhân lương tâm còn lại được nhắc tới trong thư là Yahaya Sherif-Aminu (Nigeria), Gao Zhisheng (China), Rohan Ahmad (Pakistan), và Fayzulla Agzamov (Uzbekistan).

Xin cùng tham gia ký tên và tiếp tay chia sẻ lá thư sau:

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSf3Is0fiAUY_sxbaBB0ieUwumoIHI3rnBVsq-uE1KKmHErKQg/viewform

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này