"Hưng Yên Hóa" đã lan đến Sài Gòn.
HNNCBCĐ
Việc thay đổi nhân sự cấp cao trong hệ thống công quyền là một phần tất yếu của quá trình điều hành đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số quyết định bổ nhiệm đã thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng, dấy lên nhiều nghi vấn và lo ngại. Điển hình mới nhất là việc Thiếu tướng Mai Hoàng được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an TP.HCM (tên gọi hiện nay của Sài Gòn), và trước đó là Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Công an Hà Nội.
Điều đáng nói là cả hai ông tướng công an này đều có quê quán tại Hưng Yên.
Sự kiện này gây xôn xao dư luận, vì đây là những vị trí cực kỳ quan trọng, nắm giữ quyền lực an ninh trật tự tại hai trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất cả nước – đặc biệt là TP.HCM, địa phương "giàu có" nhất Việt Nam. Việc cả hai vị trí đứng đầu lực lượng công an tại Hà Nội và TP.HCM đều do các tướng lĩnh quê Hưng Yên chiếm giữ đã khiến dư luận đặt ra một câu hỏi lớn: Phải chăng đây là một chủ trương "Hưng Yên Hóa" bộ máy công quyền, một sự ưu tiên có tính toán dựa trên yếu tố địa phương, đồng hương cục bộ?
Hiện tượng này không chỉ đơn thuần là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nó gợi lên một sự tập trung quyền lực đáng chú ý và thiếu đi sự minh bạch cần thiết trong quá trình bổ nhiệm. Khi một xu hướng như vậy xuất hiện, công chúng có quyền đặt nghi vấn về tính công bằng và khách quan của hệ thống. Sự nhạy cảm của các vị trí được bổ nhiệm, đặc biệt là trong lĩnh vực công an tại các đô thị lớn càng làm tăng mối lo ngại. Việc chiếm giữ các vị trí này có thể được xem là kiểm soát các nguồn lực và khu vực kinh tế quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng quyền lực nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ.
Dấu hiệu của "Hưng Yên Hóa" trong bộ máy lãnh đạo
Hiện tượng "Hưng Yên Hóa" không chỉ dừng lại ở hai vị trí Giám đốc Công an Hà Nội và TP.HCM. Một cái nhìn tổng quan về danh sách các quan chức cấp cao có quê quán Hưng Yên đang nắm giữ các vị trí chủ chốt từ trung ương đến địa phương, cho thấy một bức tranh đáng lo ngại về sự tập trung quyền lực theo yếu tố địa phương.
Dưới đây là thống kê tạm thời một số quan chức cấp cao có quê quán Hưng Yên trong bộ máy Đảng và chính quyền vào thời điểm hiện nay:
1. Đại tướng Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, quê quán tại Văn Giang, Hưng Yên.
2. Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, quê quán tại Kim Động, Hưng Yên.
3. Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, quê quán tại Kim Động, Hưng Yên.
4. Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, quê quán tại Khoái Châu, Hưng Yên.
5. Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an, quê quán tại Tiên Lữ, Hưng Yên.
6. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, quê quán tại Hưng Yên.
7. Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (trước đó là Tư lệnh Quân khu 1), quê quán tại Ân Thi, Hưng Yên.
8. Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, quê quán tại Yên Mỹ, Hưng Yên.
9. Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, quê quán tại Văn Giang, Hưng Yên.
10. Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an Hà Nội, quê quán tại Văn Giang, Hưng Yên.
11. Thiếu tướng Mai Hoàng, Giám đốc Công an TP.HCM, quê quán tại Yên Mỹ, Hưng Yên.
Và các quan chức sắp được bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý, điều hành các tỉnh thành chuẩn bị sáp nhập.
Sự phân bố chức vụ của các quan chức Hưng Yên trong danh sách này không hề là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. 10 trên 11 người có tên nêu trên đều vừa được bổ nhiệm trọng trách sau khi ông Tô Lâm chiếm giữ chức vụ Tổng Bí thư. Nó cho thấy một chiến lược kiểm soát các ngành trọng yếu và các địa bàn chiến lược. Trong đó, lực lượng công an và quốc phòng là những trụ cột quyền lực của nhà nước, trực tiếp kiểm soát bộ máy “sức mạnh” có khả năng cưỡng chế. Các cơ quan như Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Tư pháp lại đóng vai trò then chốt trong kiểm soát nội bộ Đảng và pháp luật.
Việc các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các tỉnh, thành kinh tế trọng điểm như TP.HCM và Đồng Nai cũng do người Hưng Yên nắm giữ càng làm nổi bật một nỗ lực có hệ thống nhằm thiết lập mạng lưới những người trung thành. Điều này vượt xa tính "cục bộ địa phương" thông thường, mà thay vào đó là một chiến lược được tính toán để củng cố và duy trì quyền lực, đảm bảo sự kiểm soát chặt chẽ đối với các công cụ quyền lực mạnh mẽ nhất của chính quyền và các vùng kinh tế trọng yếu.
Động cơ sâu xa: Củng cố quyền lực và sự nghi kỵ nội bộ
Việc bổ nhiệm nhân sự dựa trên nền tảng cùng quê quán với Tổng Bí thư không chỉ đơn thuần là tính cục bộ hay phe cánh địa phương. Nó còn là một dấu hiệu đáng báo động về sự nghi kỵ và mất lòng tin sâu sắc giữa các đảng viên trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một ví dụ điển hình là sự kiện diễn ra tại Hội nghị Trung ương 9 vào Tháng Năm 2024. Khi ông Tô Lâm đề cử ông Lương Tam Quang (quê Hưng Yên), người dự kiến sẽ kế nhiệm ông ở vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, vào Bộ Chính trị để đủ tiêu chuẩn. Lúc ấy, đề cử này đã bị các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu bác bỏ.
Sự việc này cho thấy rằng đa số ủy viên Trung ương Đảng khi đó không hề "ăn cánh" với ông Tô Lâm, bởi lẽ nhiều người trong số họ đều do cựu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cơ cấu vào.
Việc một đề cử quan trọng từ lãnh đạo cao cấp bị bác bỏ là một dấu hiệu của sự rạn nứt sâu sắc trong nội bộ. Để khắc phục tình hình, Bộ Công an đã phải thực hiện một hành động chưa từng có tiền lệ: Triệu tập Hội nghị Đảng ủy Trung ương Bộ Công an, để nhân dịp đó ra nghị quyết đề cử ông Lương Tam Quang vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an, làm cơ sở "ép" Bộ Chính trị chấp nhận.
Cuối cùng, ông Lương Tam Quang đã được phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Công an vào thượng tuần Tháng Sáu 2024 và chỉ trở thành Ủy viên Bộ Chính trị vào 2 tháng sau đó, Tháng Tám 2024.
Sự kiện này cho thấy một sự thiếu đồng thuận sâu sắc và tình trạng phe cánh rõ rệt ở cấp cao nhất của Đảng. Quá trình chuyển giao quyền lực đã không diễn ra suôn sẻ mà bao gồm những cuộc đấu đá và ép buộc nhau từ sau hậu trường.
Khi trở thành Tổng Bí thư, ông Tô Lâm nhận thức rõ rằng để củng cố vị thế quyền lực của mình, đặc biệt khi Đại hội XIV đang đến gần (đầu năm 2026), ông cần phải "thay máu" nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các vị trí chủ chốt khác. Việc "thay máu" nhân sự không gì tốt hơn là bằng những người đồng hương Hưng Yên – những người được kỳ vọng sẽ trung thành tuyệt đối với ông, giúp ông kiểm soát chặt chẽ bộ máy quyền lực.
Hệ thống chính trị Việt Nam không có các cuộc bầu cử tự do để người dân tấn phong lãnh đạo. Ông Tô Lâm nắm giữ quyền lực lãnh đạo cao nhất cũng không phải từ kết quả bầu cử tự do. Thực tế, ông Tô Lâm chiếm giữ được vị trí Tổng Bí thư là kết quả của hàng loạt cuộc tranh đoạt quyền lực dưới danh nghĩa chiến dịch "Đốt lò".
Chiến dịch "Đốt lò", ban đầu được công chúng tán thưởng như một nỗ lực chống tham nhũng. Nhưng từ khoảng Tháng Mười Hai 2022, chiến dịch đã bị ông Tô Lâm khéo léo lợi dụng một cách có hệ thống để tấn công vào các đối thủ trong Bộ Chính trị. Trong khoảng 20 tháng tiếp theo, ông là "đạo diễn" việc từ chức của 7 trong số 18 Ủy viên Bộ Chính trị được bầu ở Đại hội Đảng khóa XIII. Việc loại bỏ một số lượng lớn thành viên Bộ Chính trị trong thời gian ngắn cho thấy chiến dịch này đã chuyển từ mục tiêu chống tham nhũng thành công cụ thanh trừng chính trị và củng cố phe cánh.
Tiến thân bằng thủ đoạn tranh đoạt quyền lực, ông Tô Lâm biết rõ bản thân cũng có thể là nạn nhân kế tiếp của các cuộc tranh đoạt quyền lực trong tương lai. Thế nên, ông phải dùng những thủ đoạn để củng cố quyền lực của mình, đặc biệt là thời điểm trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 14.
Sáp nhập tỉnh thành - Thủ đoạn "Thay Máu Nhân Sự" đầy toan tính
Chủ trương sáp nhập tỉnh thành, vốn được tuyên bố là để tinh giảm nhân sự, tiếp kiệm chi phí công và tối ưu hóa bộ máy, thực chất còn là một toan tính bao hàm cả "công" và "tư" của ông Tô Lâm.
Về mặt công khai, việc sáp nhập tỉnh thành được chính quyền công bố là nhằm tinh giảm biên chế (dự kiến giảm 250 nghìn người) và tiết kiệm ngân sách (hơn 190 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2026-2030). Đây là một mục tiêu được dư luận ủng hộ về mặt lý thuyết, hướng tới một bộ máy gọn nhẹ và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, mục đích sâu xa và đầy toan tính lại nằm ở khía cạnh "tư". Sau khi các tỉnh thành được sáp nhập, ông Tô Lâm sẽ có toàn quyền chỉ định các chức vụ đứng đầu đảng và chính quyền của các đơn vị hành chính tỉnh thành mới. Dĩ nhiên, những người được bổ nhiệm sẽ là những cá nhân thuộc phe cánh của ông ấy, bao gồm cả những đồng hương Hưng Yên, những người được cho là sẽ trung thành với ông hơn.
Chủ trương sáp nhập tỉnh thành, do đó, không chỉ là một cải cách hành chính mà còn là một chiến lược "tái cấu trúc" quyền lực. Nó tạo ra một khoảng trống quyền lực và một lý do chính đáng để thực hiện việc cải tổ nhân sự quy mô lớn. Điều này cho phép lãnh đạo mới (Tô Lâm) có cơ hội tháo dỡ các cấu trúc quyền lực hiện có và cài cắm mạng lưới của riêng mình một cách hợp pháp và ít gây tranh cãi hơn so với việc ra tay thanh trừng trực tiếp.
Việc này giúp người đồng hương của ông Tô Lâm nắm giữ các chức vụ then chốt, quan trọng nhất, từ đó có khả năng khống chế toàn bộ hệ thống quyền lực chính trị ở các cấp, từ trung ương đến địa phương, bảo đảm vững chắc vị thế của cá nhân ông Tô Lâm trước và sau Đại hội Đảng XIV.
Hậu quả khôn lường của chủ trương "Một người làm quan cả họ được nhờ"
Khi việc bổ nhiệm các chức vụ cao cấp không dựa trên nền tảng tài năng, tính chuyên nghiệp và đạo đức – những giá trị cần thiết cho một nền quản trị hiệu quả – mà thay vào đó là yếu tố quê quán, đồng hương sẽ để lại những hậu quả khôn lường.
Đầu tiên, nó làm suy yếu năng lực lãnh đạo, quản lý của bộ máy công quyền. Người có tài năng, kinh nghiệm và đạo đức có thể bị bỏ qua, thay vào đó, sẽ là người kém năng lực nhưng có quê quán tại Hưng Yên hoặc quan hệ thân cận. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều hành đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức kinh tế và xã hội cần người có tâm, có tài.
Các dự án hạ tầng lớn, vốn là xương sống của sự phát triển, trở thành minh chứng rõ ràng cho sự yếu kém trong quản lý. Ví dụ, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đội vốn từ 8.769,9 tỷ đồng lên 18.001,5 tỷ đồng và chậm tiến độ nhiều năm. Tương tự, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên cũng tăng vốn từ 17.000 tỷ đồng lên hơn 47.000 tỷ đồng và chậm tiến độ tới 7 năm. Những vấn đề này có thể liên quan đến việc bổ nhiệm không dựa trên năng lực thực chất, mà thay vào đó là sự ưu tiên những người thuộc phe cánh.
Thứ hai, hiện tượng này gây mất niềm tin trầm trọng trong nhân dân. Khi họ nhận thấy sự ưu ái rõ rệt dựa trên yếu tố quê quán, khiến niềm tin vào sự công bằng, minh bạch của hệ thống sẽ bị xói mòn. Điều này cũng gây ra sự bất mãn và chia rẽ trong hệ thống công quyền, làm suy yếu động lực cống hiến thực sự.
Thứ ba, nó dẫn đến tình trạng "Một người làm quan cả họ được nhờ". Thành ngữ này tưởng như chỉ tồn tại trong thể chế quân chủ từ quá khứ, nhưng lại miêu tả chính xác hệ quả của việc bổ nhiệm dựa trên quan hệ trong tình hình hiện nay. Khi một cá nhân nắm giữ quyền lực nhờ phe cánh, họ có xu hướng kéo theo những người thân, đồng hương vào bộ máy, tạo thành các nhóm lợi ích. Điều này dẫn đến đặc quyền, đặc lợi, và là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, làm suy yếu nền tảng đạo đức xã hội và cản trở sự phát triển công bằng.
Để thấy rõ hơn sự khác biệt, chúng ta có thể so sánh với quy trình bổ nhiệm ở các quốc gia tiên tiến phương Tây. Ở Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, quy trình bổ nhiệm các chức vụ quan trọng (đặc biệt là cấp Bộ trưởng và Nội các) thường được thiết kế để đề cao tính minh bạch, công khai và dựa trên năng lực, kinh nghiệm, đạo đức.
Tại Hoa Kỳ, Tổng thống đề cử quan chức thuộc quyền, nhưng phải được Thượng viện phê chuẩn thông qua các phiên điều trần công khai, kiểm tra lý lịch sâu rộng và bỏ phiếu. Ở Anh, Thủ tướng bổ nhiệm các Bộ trưởng, nhưng họ phải là thành viên của Quốc hội và chịu trách nhiệm giải trình trước cơ quan này. Tại Đức, Thủ tướng Liên bang đề xuất danh sách Bộ trưởng cho Tổng thống bổ nhiệm, với các Bộ trưởng điều hành công việc độc lập trong khuôn khổ chính sách chung. Còn ở Pháp, Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng, và Thủ tướng đề xuất các thành viên chính phủ để Tổng thống bổ nhiệm, với các Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Điểm khác biệt cốt lõi là các hệ thống phương Tây đều có cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực mạnh mẽ, đảm bảo rằng việc bổ nhiệm không chỉ là ý chí cá nhân của một lãnh đạo mà phải thông qua sự chấp thuận của cơ quan lập pháp hoặc được giám sát chặt chẽ bởi các quy định minh bạch. Điều này giúp hạn chế tình trạng cục bộ, phe cánh và thúc đẩy việc lựa chọn nhân tài.
Để tham khảo thêm, thật ra, việc xây dựng một “ê kíp ăn ý" để bảo đảm sự nhất quán khi thực hiện các chủ trương không phải là một ý tưởng kém. Trong một đơn vị nhỏ, điều này có thể giúp tăng cường hiệu quả và sự phối hợp. Tuy nhiên, khi áp dụng trong tầm mức quốc gia, nó sẽ bộc lộ tính bất công nghiêm trọng. Người có tài năng, chuyên nghiệp và đức độ không được bổ nhiệm vì không thuộc "ê kíp" hoặc không phải đồng hương. Thay vào đó, người bất tài, vô đạo đức lại được bổ nhiệm chỉ vì là đồng hương hoặc có quan hệ thân cận với lãnh đạo.
Nguyên tắc "ê kíp ăn ý" này, khi được áp dụng trên quy mô quốc gia và dựa trên yếu tố quê quán, biến thành một dạng chủ nghĩa thân hữu có hệ thống. Nó không chỉ lãng phí nhân tài mà còn tạo tiền lệ xấu, làm suy yếu động lực cống hiến thực sự và hủy hoại niềm tin vào một nền công vụ liêm chính. Hậu quả lâu dài là sự suy giảm chất lượng quản trị, đình trệ kinh tế do những quyết sách yếu kém, và khoảng cách ngày càng lớn giữa giới tinh hoa cầm quyền và khát vọng về một xã hội công bằng, thịnh vượng của người dân.
Vì một nền chính trị công bằng
Tóm lại, với hàng loạt lý do và phân tích đã nêu trên, việc bổ nhiệm các chức vụ cao cấp trong Đảng và trong chính quyền dựa trên nền tảng quê quán, đồng hương với lãnh đạo là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Hiện tượng "Hưng Yên hóa" không chỉ là dấu hiệu của tính cục bộ, phe cánh mà còn phản ánh sự nghi kỵ sâu sắc, tiền đề cho những cuộc tranh đoạt quyền lực nội bộ và sự lợi dụng các chính sách hợp pháp để phục vụ mục tiêu cá nhân.
Những hệ lụy của nó là vô cùng nghiêm trọng. Làm suy yếu uy quyền lãnh đạo quốc gia, gây mất niềm tin trầm trọng trong nhân dân, tạo ra đặc quyền, đặc lợi theo cách bất công "Một người làm quan cả họ được nhờ", và cản trở sự phát triển bền vững của đất nước. Một hệ thống chính trị thiếu các cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực công khai, như bầu cử tự do hay sự phê chuẩn của cơ quan lập pháp, sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng ưu tiên lòng trung thành cá nhân hơn là năng lực thực chất.
Để xây dựng một quốc gia vững mạnh, công bằng và phát triển, điều cốt yếu là phải có một nền chính trị minh bạch, đề cao tài năng, đạo đức và sự cống hiến thực sự, không phân biệt quê quán hay quan hệ cá nhân. Chỉ khi đó, niềm tin của người dân mới được củng cố và đất nước mới có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả công dân trong quốc gia ấy.
Hoa Thịnh Đốn, ngày 11 Tháng Sáu 2025
Đặng Đình Mạnh
Nhận xét