NGƯỜI DÂN NÊN CHỦ ĐỘNG THỰC THI CÔNG ƯỚC VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ
- Đòi hỏi nhà nước giải trình thông qua các định chế nhân quyền LHQ
Ngày 12 tháng 6, 2025
Bộ máy quản trị mỗi quốc gia là một đối tượng quan trọng trong việc thực thi các công ước quốc tế. Đối tượng này thực thi các công ước quốc tế bằng nghĩa vụ của quốc gia đã tham gia vào mỗi công ước.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Liên Hiệp Quốc lại xây dựng cơ chế dành cho các cá nhân và tổ chức xã hội dân sự được nộp các báo cáo và được mời họp với các chuyên gia trong uỷ ban trước thềm mỗi cuộc rà soát một quốc gia nào đó. Bởi vì, người dân cũng là một đối tượng rất quan trọng trong việc thực thi các công ước quốc tế. Người dân thực thi công ước quốc tế bằng quyền của mình để thúc đẩy bộ máy quản trị quốc gia phải thực hiện nghĩa vụ của họ. Do vậy, người dân là đối tượng quyết định cho việc thực thi công ước quốc tế một cách đầy đủ và sâu sắc.
Sắp tới đây, vào hai ngày 7 và 8 tháng 7 năm 2025, Liên Hiệp Quốc sẽ tiến hành phiên rà soát thuộc chu kỳ thứ tư việc thực thi Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị (International Covenant on Civil and Political Rights - ICCPR) với nhà nước Việt Nam.

Hình: Bộ Luật Công Ước về Nhân Quyền Quốc Tế với 9 công ước của Liên Hiệp Quốc. Trong đó Việt Nam đã tham gia 7 công ước
Công ước này có 53 điều được chia thành sáu phần. Các quyền dân sự và chính trị của mọi người dân được quy định tập trung trong phần hai và phần ba gồm các quyền sau đây:
- Quyền không bị phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị trong xã hội và sự bình đẳng trước pháp luật (Điều 2, 3 và 26);
- Quyền sống mà hiện nay đã được mở rộng thành Nghị Định Thư Thứ Hai với mục tiêu xoá bỏ hoàn toàn án tử hình trên thế giới (Điều 6);
- Quyền không bị tra tấn và phải được đối xử nhân đạo, cấm giam giữ tuỳ tiện và phải hạn chế sự cầm tù nếu có các biện pháp thay thế hợp lý khác, quyền phải được xét xử công bằng và không bị bỏ tù chỉ vì không hoàn thành hợp đồng dân sự, quyền không bị hồi tố (Điều 7, 9, 10, 11, 14 và 15);
- Quyền không bị bắt làm nô lệ hay nô dịch (Điều 8);
- Quyền tự do đi lại và cư trú ở quốc gia của mình và ở các quốc gia khác (Điều 12 và 13);
- Quyền được thừa nhận là một thể nhân pháp lý (Điều 16);
- Quyền bảo vệ sự riêng tư và danh dự nhân phẩm (Điều 17);
- Quyền tự do lương tâm tư tưởng và tôn giáo (Điều 18);
- Quyền tự do quan điểm, tự do biểu đạt và ngôn luận. (Điều 19);
- Quyền tự do hội họp và lập hội (Điều 21 và 22);
- Quyền kết hôn và bảo vệ tổ ấm gia đình (Điều 23);
- Quyền của trẻ em bình đẳng với người lớn (Điều 24);
- Quyền tự do về chính trị và khả năng tham gia điều hành xã hội (Điều 25);
- Quyền của người thiểu số (Điều 27).
Như vừa trình bày, việc thực thi công ước quốc tế chỉ thực sự có ý nghĩa sâu sắc và đầy đủ khi từng người dân cần chủ động nắm lấy quyền của mình. Do vậy, từng người dân nên chủ động tìm hiểu các quyền vừa nêu trên của mình, so sánh đối chiếu với thực tế và nên theo dõi phiên rà soát để lên tiếng một cách thích hợp tự bảo vệ quyền của chính bản thân mình khi chúng bị xâm phạm. Các tổ chức xã hội dân sự sẽ là những chiếc cầu nối và chỉ có thể là chiếc cầu nối giúp cho người dân có thể lên tiếng và tìm những cách khác nhau thúc đẩy việc thực thi công ước quốc tế được hoàn thiện hơn. Do đó, mặc dù đã có 17 bản báo cáo(*) của các tổ chức xã hội dân sự nộp cho uỷ ban của công ước này nhưng chúng không thể thay thế được cho sự lên tiếng mạnh mẽ của từng người dân đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải thực thi đầy đủ nghĩa vụ của họ.
(*) Trong số này, BPSOS và các tổ chức thân hữu của mình đã nộp tổng cộng 9 bản báo cáo. Bản báo cáo mới nhất được nộp vào ngày 26 tháng 5 năm 2025 và một phái đoàn do BPSOS thiết lập sẽ tới Geneva – Thuỵ Sĩ vào đầu tháng 7 này nhằm cập nhật các tình hình gần đây nhất tại Việt Nam cho các chuyên gia thực hiện phiên rà soát.
---
BPSOS - Đề Án Dân Quyền Việt Nam
Nhận xét