Cập nhật về tình trạng của những người
bị giam ở IDC
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Mới đây, thêm 2 người trong số 65 người Thượng bị bắt ngày 23 tháng 2 được tại ngoại; vẫn còn 8 người chưa được tại ngoại. Trong khi đó, chưa một đồng bào Hmong nào trong số 13 người bị bắt trong 3 đợt bắt bớ gần đây được tại ngoại, mặc dù 9 trong số họ đã được lập hồ sơ tại ngoại. Tuần qua, phần lớn đàn ông con trai bị giam ở IDC Suan Phlu đã bị chuyển sang IDC Bang Khen.
Lý do chậm trễ trong việc dược tại ngoại gồm có:
Hình 1 - Một nhóm 7 đồng bào Thượng được bảo lãnh tại ngoại chuẩn bị rời khỏi IDC, ngày 15/05/2025 (ảnh của MS Smile)
- Có 2 người Thượng chưa được phép nộp đơn xin tại ngoại vì có lệnh truy nã của công an Việt Nam. Họ có thể sẽ phải yêu cầu tòa án Thái Lan phán xét.
- Có 2 người Thượng bị CUTN/LHQ đóng hồ sơ xin tị nạn, xem như không còn dưới sự bảo vệ của CUTN/LHQ. Cách duy nhất để xin tại ngoại là ghi danh tham gia Cơ Chế Sàng Lọc Quốc Gia (National Screening Mechanism, NSM) của chính phủ Thái Lan.
- 4 người Hmong hoặc chưa có người giúp tiền thế chân (1500 Mỹ kim một đầu người) hoặc chưa tìm được người Thái đứng tên bảo đảm, chịu trách nhiệm với cảnh sát IDC.
- Do có 5 người Hmong đang trong thời gian tại ngoại đã phá bỏ cam kết, di chuyển đi nơi khác và không trình diện cảnh sát của IDC theo đòi hỏi, cảnh sát IDC cứu xét nghiêm ngặt hơn đơn xin tại ngoại của người tị nạn đến từ Việt Nam.
- Sự hạn chế về nhân lực của văn phòng CAP, do BPSOS tài trợ: Hiện chỉ có 2 luật sư người Thái mà phải lo lập hồ sơ xin tại ngoại cho tuyệt đại đa số người Việt bị bắt, lên đến khoảng 80 người chỉ trong 5 tháng qua.
Tuần qua, hầu hết các người nam ở IDC Suan Phlu đã bị chuyển sang IDC Bang Khen để ghi tên với Cơ Chế Sàng Lọc Quốc Gia (NSM). Cơ chế này có thuận lợi là những ai ghi tên sẽ được cấp quyển sổ tạm trú cho phép ở lại Thái Lan trong khi chính phủ cứu xét có cần được bảo vệ hay không. Bất lợi là nếu chính phủ Thái Lan quyết định người nào không cần sự bảo vệ nữa thì có thể bị trục xuất một cách nhanh chóng.
Gần đây, có mấy người Thượng vì vợ ở trong IDC chưa được tại ngoại nên sốt ruột và gây sự với người Thượng tị nạn khác, đổ thừa là vì người này mà vợ của mình chưa được thả ra. Suy nghĩ như vậy là hoàn toàn sai. Người tị nạn không có thẩm quyền gì để ảnh hưởng đến quyết định của cảnh sát IDC. Ngay cả CUTN/LHQ và luật sư của chúng tôi cũng chỉ có thể nêu quan ngại với cảnh sát IDC mà thôi. Quyết định thế nào hoàn toàn tùy thuộc nơi họ.
Để theo dõi các diễn biến liên quan đến người tị nạn ở Thái Lan, xin vào đây: https://www.facebook.com/BPSOSTiNanThaiLan/
Nhận xét