Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2025: Người Việt có gì?
Chỉ không lâu nữa tại Washington DC, Hoa Kỳ sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Summit hay IRF Summit) lần thứ 5 vào ngày 4-5/2/2025.
Người Việt sẽ có những hoạt động gì?
Hội luận chuyên đề Việt Nam: tiếp tục nhắm vào các tổ chức tôn giáo bị nhà nước điều khiển
BPSOS là tổ chức thành viên Ban Chỉ Đạo từ đầu của hội nghị hàng năm này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh năm nay, chúng tôi tiếp tục nhắm vào các tổ chức tôn giáo do nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lập ra hoặc điều khiển, trở thành trợ cụ tôn giáo. Đặc biệt tập trung vào 6 tổ chức:
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo
- Chi phái Cao Đài 1997
- Hội thánh Tin Lành Việt Nam – miền Nam
- Hội thánh Tin Lành Việt Nam – miền Bắc
- Ủy ban Đoàn kết Công giáo
Sẽ có 4 tham luận đoàn bằng tiếng Việt trong 2 ngày 4 và 5/2 xoáy vào chủ đề này. Ngoài ra, theo thông lệ hàng năm, BPSOS sẽ tổ chức buổi cầu nguyện đa tôn giáo, đa sắc tộc cho các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo vào 11 giờ sáng (giờ Washington DC, tức 11 giờ đêm Việt Nam) ngày 5/2.
Khi nói tới đàn áp tôn giáo, quốc tế thường nghĩ tới đầu tiên những quốc gia như Trung Quốc hay các nước thuộc khu vực Nam Á, Trung Đông mà phương thức đàn áp phổ biến là sử dụng bạo lực. Bằng cách chĩa mũi dùi vào những tổ chức “trợ cụ” trên, BPSOS muốn chỉ ra cho thế giới thấy Việt Nam kìm kẹp và đàn áp tôn giáo một cách tinh vi, xảo quyệt hơn: sử dụng các tổ chức tôn giáo và ngụy tôn giáo để theo dõi giám sát tín đồ, làm biến chất tôn giáo từ bên trong, đe dọa và trừng phạt những cộng đồng tôn giáo độc lập, và che mắt quốc tế.
Cuối tháng 9/2024, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (United States Commission on International Religious Freedom, gọi tắt USCIRF) đã công bố tài liệu nghiên cứu, có sự đóng góp của BPSOS, về sáu tổ chức trên và ba hình thức điều khiển tôn giáo của nhà nước Việt Nam.
Trước đó vào tháng 5/2024, USCIRF đã nhắc tới các tổ chức này trong báo cáo thường niên và trong buổiKỷ niệm 30 năm Ngày Nhân quyền cho Việt Nam tại Hạ viện Hoa Kỳ.
Tháng 1/2025, tổ chức nhân quyền International Christian Concern đưa ra một bản báo cáo về nạn đàn áp tôn giáo toàn cầu, trong đó có nhắc tới các tổ chức tôn giáo bị nhà nước điều khiển ở Việt Nam. Nêu đích danh Hội thánh Tin Lành Việt Nam – miền Nam.
Hội luận tiếng Anh: vạch trần vấn đề đàn áp tôn giáo ở Việt Nam
Ngoài các hội luận tiếng Việt (kèm với ngôn ngữ một số cộng đồng khác như Êđê, H’mông, Khmer), BPSOS cũng có một số hội luận bằng tiếng Anh cho mục Giới trẻ Lãnh đạo, trong đó lồng vào vấn đề của Việt Nam.
Đặc biệt đáng chú ý là buổi thảo luận “Đàn áp tôn giáo trong chế độ cộng sản”.
BPSOS cũng sẽ nhấn mạnh, năm 2025 là tưởng niệm 50 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam, cả hai miền Nam, Bắc rơi vào tay Đảng Cộng sản, và cũng là kỷ niệm 50 năm hiện diện của cộng đồng người Việt tại hải ngoại.
Ngoài ra, Hội nghị Thượng đỉnh cũng có một hội luận, không phải do BPSOS tổ chức, với tên “Tự do mất đi ở Việt Nam”, nói về cách nhà nước Việt Nam đàn áp các cộng đồng tôn giáo và các luật trong Quốc hội Hoa Kỳ để hỗ trợ vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Cựu Đại sứ Grover Joseph Rees, cố vấn thâm niên cho các đề án quốc tế của BPSOS, sẽ phát biểu trong tham luận đoàn.
Cựu tù nhân tôn giáo phát biểu tại hội nghị
Ngoài ra, một cựu tù nhân tôn giáo Việt Nam đang tỵ nạn tại Châu Âu sẽ phát biểu trên sân khấu chính của hội nghị. Thông tin sẽ được cập nhật trong sự phối hợp với Ban Chỉ đạo của hội nghị.
Ngoài ra, người Việt có thể làm gì?
Nghị trình của toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh năm nay bao gồm một số chủ đề BPSOS đã bền bỉ vận động trong nhiều năm qua: tù nhân lương tâm tôn giáo, đàn áp tôn giáo dưới chế độ Cộng sản, bảo vệ người tỵ nạn, và áp dụng các biện pháp chế tài lên thủ phạm đàn áp tôn giáo.
Ngày 3/2, trước hội nghị, cư dân Hoa Kỳ gốc Việt cũng có thể đi vận động tại Quốc hội về vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam. Xin liên lạc bpsos@bpsos.org.
Làm thế nào để ghi danh tham dự hội nghị?
Để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2025 tại Washington DC, quý vị có thể ghi danh tại đây: https://irfsummit.org/register/
Theo dõi trực tuyến ở đâu?
Nếu không thể tham dự hội nghị trực tiếp, quý vị có thể theo dõi trực tuyến tại: https://irfsummit.org/
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin, chia sẻ hình ảnh và bài viết, và phỏng vấn một số người có mặt tại hội nghị. Mong quý vị theo dõi qua trang Mạch Sống và các trang Facebook Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam và BPSOS - Đề Án Dân Quyền Việt Nam.
Các tham luận đoàn do BPSOS tổ chức (phần của người Việt, lẫn phần Giới trẻ lãnh đạo) đều sẽ được livestream trên trang Facebook Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam.
Nhận xét